BÁO CÁO PHÁT THẢI THEO PHẠM VI 1 VÀ PHẠM VI 2 - YÊU CẦU TẤT YẾU ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Kiểm kê khí nhà kính và báo cáo phát thải không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ những quy định trong và ngoài nước, tránh những rủi ro pháp lý và kiến tạo nên những giá trị bền vững cho xã hội, mà còn giúp doanh nghiệp tiến gần hơn với xu hướng dịch chuyển xanh và nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong cuộc đua gay gắt giữa những “nhà cung cấp xanh” đang diễn ra trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cần nắm rõ kiến thức về phạm vi phát thải theo Phạm vi 1, Phạm vi 2 và Phạm vi 3 được quy định cụ thể bởi GHG Protocol và phương thức báo cáo phù hợp theo từng thị trường và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Nội dung:
1. Tìm hiểu về phạm vi phát thải theo quy định của GHG Protocol 2. Chính phủ Việt Nam quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính cần báo cáo phát thải theo Phạm vi 1 và Phạm vi 2 3. Cách báo cáo phát thải tại cơ sở theo Phạm vi 1 4. Cách báo cáo phát thải tại cơ sở theo Phạm vi 2 5. Vinacontrol - Đơn vị tiên phong thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Phạm vi 1 và Phạm vi 2 cho doanh nghiệp |
1. Tìm hiểu về phạm vi phát thải theo quy định của GHG Protocol
GHG Protocol (Greenhouse Gas Protocol) là một bộ công cụ hướng dẫn do Viện Tài nguyên thế giới (World Resource Institute) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (World Business Council for Sustainable Development) phát triển, còn được gọi là giao thức báo cáo khí nhà kính.
Giao thức báo cáo khí nhà kính ra đời với sứ mệnh làm tiền đề cho các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán và quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ. GHG Protocol cũng cung cấp hướng dẫn, phương pháp tính toán và khuôn khổ báo cáo theo ngành cụ thể cho các loại hình tổ chức và hoạt động khác nhau. Theo đó, lượng phát thải cấp cơ sở được chia thành 3 phạm vi:
Phạm vi 1 (Scope 1)
Phát thải trực tiếp do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tạo ra, từ nguồn phát thải mà doanh nghiệp sở hữu hoặc kiểm soát.
Ví dụ: Một nhà máy dệt may cần sử dụng nhiên liệu để đốt lò hơi, nhuộm vải. Quá trình đốt cháy nhiên liệu này sinh ra khí CO2, đóng góp vào tổng lượng phát thải của doanh nghiệp.
Phạm vi 2 (Scope 2)
Phát thải gián tiếp từ việc tiêu thụ năng lượng do doanh nghiệp mua từ các nhà cung cấp bên ngoài. Lượng phát thải trong phạm vi này không xảy ra tại các cơ sở của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới vì đã sử dụng năng lượng đó.
Ví dụ: Một công ty chế biến thực phẩm sử dụng 10.000 MWh điện mỗi năm để vận hành dây chuyền sản xuất. Ở Việt Nam, điện năng có thể được sản xuất từ các nguồn như nhiệt điện than, thủy điện và năng lượng tái tạo. Do đó, công ty phải chịu trách nhiệm đối với lượng phát thải do tiêu thụ điện từ các nguồn này.
Phạm vi 3 (Scope 3)
Phát thải gián tiếp từ chuỗi cung ứng và các hoạt động bên ngoài tài sản sở hữu của doanh nghiệp. Đây là phạm vi phát thải khó kiểm soát nhất, vì nó bao gồm cả các hoạt động của các bên thứ ba có liên quan đến doanh nghiệp.
Ví dụ: Một công ty xuất khẩu linh kiện điện tử, tháng 10 này đã cử 03 chuyên gia sang Trung Quốc để đàm phán, thương thảo hợp đồng với bên mua. Lượng khí thải phát sinh từ chuyến bay công tác khứ hồi của 03 chuyên gia đó sẽ do công ty xuất nhập khẩu này chịu trách nhiệm.
Ví dụ khác: Một công ty may mặc xuất khẩu hàng hóa thường xuyên phải thuê dịch vụ vận chuyển từ các công ty logistics để đưa sản phẩm đến khách hàng quốc tế. Trong quá trình vận chuyển, các phương tiện tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí CO2. Dù không trực tiếp thực hiện việc vận chuyển, doanh nghiệp vẫn phải tính toán và chịu trách nhiệm về lượng phát thải phát sinh từ hoạt động này theo các tiêu chuẩn báo cáo khí nhà kính (GHG Protocol).
03 Phạm vi phát thải theo GHG Protocol
2. Chính phủ Việt Nam quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính cần báo cáo phát thải theo Phạm vi 1 và Phạm vi 2
Thông tư số 38/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 27 tháng 12 năm 2023 Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công thương đã quy ước phạm vi phát thải mà các doanh nghiệp cần tuân thủ khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính và báo cáo phát thải. Theo đó, báo cáo kiểm kê khí nhà kính đáp ứng Nghị định 06/2022/NĐ-CP cần bảo đảm kiểm kê và định lượng đầy đủ phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp.
-
Phát thải khí nhà kính trực tiếp là việc phát thải khí nhà kính sinh ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, khai thác khoáng sản trên bề mặt, trong lòng đất hoặc rò rỉ từ máy móc, trang thiết bị lưu trữ của con người.
-
Phát thải khí nhà kính gián tiếp là phát thải khí nhà kính do việc sử dụng các dạng năng lượng như điện, nhiệt hoặc hơi nước tạo ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và các nhiên liệu khác có liên quan.
Như vậy, theo quy định của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp có hoạt động phát thải mới chỉ bắt buộc phải thực hiện kiểm kê theo Phạm vi 1 và Phạm vi 2.
3. Cách báo cáo phát thải tại cơ sở theo Phạm vi 1
Khí thải trong Phạm vi 1 là những khí thải trực tiếp phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu của các tài sản do công ty sở hữu hoặc kiểm soát. Các thành phần chính của Phạm vi 1 bao gồm:
-
Phát thải từ nguồn cố định: Bao gồm tất cả các khí thải từ hoạt động đốt nhiên liệu trong các thiết bị lắp đặt cố định như nồi hơi, lò nung, đầu đốt, tua-bin, lò sưởi, lò đốt, và các thiết bị khác thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của công ty.
-
Phát thải từ nguồn di động: Bao gồm tất cả khí thải từ các phương tiện vận tải do công ty sở hữu hoặc kiểm soát như ô tô, xe tải, xe tải nhỏ.
-
Phát thải từ các quá trình công nghiệp: Bao gồm phát thải từ các quá trình vật lý hoặc hóa học tạo ra khí nhà kính trong dây chuyền sản xuất của cơ sở;
-
Khí thải rò rỉ: Bao gồm các khí nhà kính rò rỉ từ các máy móc, thiết bị hoặc trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản,...Lưu ý rằng khí nhà kính rò rỉ từ các thiết bị này có thể có tác động lớn hơn CO2 hàng nghìn lần. Vì vậy, các công ty được khuyến khích chủ động báo cáo đầy đủ về lượng khí thải này để đảm bảo minh bạch và tăng cường kiểm soát các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
-
Phát thải từ các hoạt động khác:
+ Phát thải là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, kinh doanh
+ Phát thải từ thu gom, quản lý và xử lý chất thải
Các bước báo cáo phát thải tại cơ sở theo Phạm vi 1:
-
Bước 1: Khảo sát và đánh giá các hoạt động ở phạm vi cơ sở
Doanh nghiệp cần tiến hành khảo sát và xem xét toàn diện tất cả các hoạt động kinh doanh và sản xuất, cùng với các tài sản mà doanh nghiệp sở hữu hoặc kiểm soát (tài chính và vận hành). Mục tiêu là xác định rõ những hoạt động nào có khả năng phát sinh khí thải trực tiếp từ việc tiêu thụ nhiên liệu.
-
Bước 2: Thống kê các hoạt động phát sinh khí thải
Tiếp theo, doanh nghiệp cần lập danh sách chi tiết các hoạt động làm phát sinh khí thải, chẳng hạn như vận hành máy móc, phương tiện di chuyển, hoặc hệ thống sưởi ấm. Từ đó, thống kê cụ thể lượng nhiên liệu tiêu thụ từ mỗi hoạt động, để tạo nền tảng cho việc tính toán phát thải.
-
Bước 3: Tính toán tổng lượng phát thải Phạm vi 1
Cuối cùng, tổng hợp tất cả số liệu về lượng nhiên liệu tiêu thụ để ước tính tổng lượng phát thải Phạm vi 1 tại cơ sở.
Dưới đây là một ví dụ về báo cáo phát thải Phạm vi 1 trong ngành bán lẻ và công nghệ:
Báo cáo phát thải theo Phạm vi 1 của Amazon giai đoạn 2019-2023 (Nguồn: Amazon Sustainability Report)
4. Cách báo cáo phát thải tại cơ sở theo Phạm vi 2
Phạm vi 2 bao gồm lượng phát thải gián tiếp do doanh nghiệp mua năng lượng từ bên thứ ba. Khác với Phạm vi 1 (liên quan đến phát thải trực tiếp), phát thải trong Phạm vi 2 không diễn ra tại tài sản mà doanh nghiệp sở hữu và kiểm soát, nhưng lại gián tiếp liên quan vì phát sinh từ việc sử dụng năng lượng mà doanh nghiệp mua vào. Phạm vi 2 bao hàm 3 nguồn phát thải chính sau đây:
-
Phát thải do tiêu thụ năng lượng điện;
-
Phát thải do sử dụng năng lượng hơi.
-
Phát thải do sử dụng hệ thống sưởi ấm và làm mát (Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc những doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc khả năng tự lắp đặt hệ thống năng lượng hơi, sưởi ấm hay làm mát quanh năm, họ thường mua các dịch vụ này từ các nhà cung cấp bên ngoài.).
Theo GHG Protocol, vì lượng phát thải này không trực tiếp xảy ra tại tài sản của doanh nghiệp, nhưng là kết quả từ việc mua năng lượng, nên nó phải được tính vào báo cáo phát thải trong Phạm vi 2.
Báo cáo phát thải theo Phạm vi 2 của Apple giai đoạn 2021-2023 (Nguồn: Apple Environmental Progress Report 2024)
Để tính toán lượng phát thải Phạm vi 2, có hai phương pháp chuyển đổi điện năng (MWh) thành tấn CO2:
-
Market-based: Phương pháp này sử dụng hệ số phát thải dựa trên dữ liệu của nhà cung cấp điện mà doanh nghiệp mua.
-
Location-based: Phương pháp này dựa vào hệ số phát thải chung của từng quốc gia hoặc khu vực địa lý nơi doanh nghiệp hoạt động.
Việc chọn phương pháp nào phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia nơi doanh nghiệp có văn phòng, nhà máy hoặc trụ sở hoạt động. Hiểu rõ các yêu cầu và quy định địa phương là điều cần thiết để đảm bảo báo cáo phát thải chính xác và tuân thủ pháp lý. Trong báo cáo về tác động môi trường của mình, Apple đã quyết định chỉ sử dụng phương pháp Market-based để tính toán phát thải.
5. Vinacontrol - Đơn vị tiên phong trong Kiểm kê khí nhà kính Phạm vi 1 và Phạm vi 2
Theo quy định hiện hành tại Việt Nam, các doanh nghiệp bắt buộc phải báo cáo phát thải khí nhà kính trong Phạm vi 1 và Phạm vi 2. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường và tư vấn năng lượng, Vinacontrol đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo 02 phạm vi này. Chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển các phương pháp, quy trình tiên tiến, cùng hệ thống máy móc thiết bị tối tân, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành kiểm kê theo Phạm vi 1 và 2 một cách chính xác, nhanh chóng và toàn diện nhất.
Vinacontrol hiểu rằng, việc tự tiến hành kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở không chỉ gặp nhiều khó khăn, mà còn tiềm ẩn các rủi ro trong quá trình thực hiện nếu không có sự hướng dẫn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Những thách thức phổ biến mà nhiều doanh nghiệp đang đối mặt bao gồm:
-
Thống kê thiếu hoặc thừa các nguồn phát thải trong Phạm vi 1 và 2.
-
Loại bỏ các nguồn phát thải gián tiếp mà không có lý giải hợp lý.
-
Lựa chọn sai hệ số phát thải hoặc phương pháp kiểm kê.
-
Thiếu kế hoạch thu thập dữ liệu đầy đủ và chính xác,...
Nhận thức rõ những trở ngại này, Vinacontrol đã phát triển dịch vụ Kiểm kê khí nhà kính và Chuyển giao công nghệ, mang đến giải pháp tối ưu nhất cho các doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết mang đến cho Quý doanh nghiệp giải pháp tối ưu nhất với chi phí hợp lý nhất!
→ Tìm hiểu thêm về Dịch vụ Kiểm kê khí nhà kính của Vinacontrol: tại đây
Quý khách vui lòng liên hệ tới số Hotline 0243 943 3840 hoặc chat ngay với chuyên viên để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!