Giải mã Nghị định 119/2025/NĐ-CP – Chìa khóa tham gia thị trường carbon Việt Nam
Nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ngày 09/06/2025, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 119/2025/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 119).
Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (Nghị định 06) về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý để vận hành thị trường carbon tại Việt Nam.
Nghị định 119 có hiệu lực từ ngày 01/08/2025, với nhiều quy định quan trọng liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải lớn như công nghiệp, xây dựng, năng lượng, giao thông...
Dưới đây là những nội dung chính của Nghị định 119/2025/NĐ-CP mà doanh nghiệp cần nắm rõ:
1. Thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải khí ngay trong năm 2025
Nghị định 06 đề ra lộ trình kiểm kê khí nhà kính, ban hành tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho một số loại cơ sở từ năm 2026. Tuy nhiên, Nghị định 119 sửa đổi theo hướng thực hiện việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí ngay trong năm 2025; theo đó:
-
Trong 02 năm 2025 và 2026, các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất sắt thép, cơ sở sản xuất xi măng thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Việc phân bổ này được thực hiện thí điểm đến từng nhà máy, cho phép thực hiện ngay và trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hàng năm.
-
Từ năm 2027 đến năm 2030, tiếp tục đề xuất bổ sung cơ sở được phân bổ hạn ngạch và lượng hạn ngạch phân bổ hàng năm cho từng cơ sở. Giai đoạn từ năm 2025 đến hết năm 2030, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính có trách nhiệm xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ; các cơ sở chưa được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính có trách nhiệm xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở theo quy định.
2. Thành lập Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon
Tương tự chức năng của hoạt động lưu ký đối với chứng khoán để hỗ trợ cho hoạt động giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán, Nghị định 119 bổ sung việc thành lập Hệ thống đăng ký quốc gia nhằm hỗ trợ cho hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch các-bon.
Hệ thống đăng ký quốc gia có chức năng quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin sở hữu hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon và xử lý các hoạt động vay mượn, nộp trả, chuyển giao, bù trừ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Việc thành lập một trung tâm đăng ký tập trung sẽ giúp quản lý các giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch các-bon.
3. Điều chỉnh lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước
3.1. Dời lộ trình vận hành sàn giao dịch các-bon
Nghị định 06 đề ra lộ trình thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch các-bon kể từ năm 2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lộ trình của Nghị định 06 là chưa đủ cơ sở triển khai.
Vì vậy, Nghị định 119 đã dời lộ trình vận hành sàn giao dịch các-bon theo các mốc sau:
Đến hết năm 2028:
+ Hoàn thành việc thiết lập Hệ thống đăng ký quốc gia;
+ Vận hành thí điểm Sàn giao dịch các-bon trong nước;
+ Triển khai cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước;
Từ năm 2029:
+ Thực hiện cơ chế đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính;
+ Chính thức vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.
4. Các tổ chức, cá nhân được lựa chọn phương pháp tạo tín chỉ các-bon cho các dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước
4.1. Các loại phương pháp tạo tín chỉ các-bon
Phương pháp tạo tín chỉ các-bon áp dụng cho các dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước bao gồm:
-
Phương pháp được các bộ quản lý lĩnh vực quy định và công nhận và công bố trên Hệ thống đăng ký quốc gia và trang thông tin điện tử của bộ quản lý lĩnh vực;
-
Phương pháp do Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu công nhận áp dụng cho các dự án thuộc Cơ chế Điều 6.4 Thỏa thuận Paris được các bộ quản lý lĩnh vực rà soát, lựa chọn và công bố trên Hệ thống đăng ký quốc gia và trang thông tin điện tử của bộ quản lý lĩnh vực;
-
Phương pháp do tổ chức, cá nhân đề xuất không các trường hợp trên, được các bộ quản lý lĩnh vực công nhận.
4.2. Đề xuất công nhận phương pháp tạo tín chỉ các-bon
Từ 01/01/2028, các tổ chức, cá nhân có thể gửi hồ sơ đề xuất về Bộ quản lý lĩnh vực tương ứng để được xem xét công nhận phương pháp tạo tín chỉ các-bon.
Hồ sơ sẽ được Hội đồng đánh giá xem xét về tính phù hợp về mục tiêu thực hiện; về phương pháp tính lượng phát thải khí nhà kính; về khả năng đáp ứng các yêu cầu quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và khả năng mở rộng quy mô, áp dụng rộng rãi để đạt được hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính.
Trong trường hợp được Bộ quản lý lĩnh vực công nhận và công bố trên Hệ thống đăng ký quốc gia, tổ chức, cá nhân có thể thu tiền bản quyền đối với các doanh nghiệp sử dụng phương pháp tạo tín chỉ các-bon này theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan;
4.3. Đăng ký lựa chọn phương pháp tạo tín chỉ các-bon áp dụng cho dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước
Từ ngày Nghị định 119 có hiệu lực, tổ chức, cá nhân có thể gửi hồ sơ tới Bộ quản lý lĩnh vực để đăng ký lựa chọn phương pháp tạo tín chỉ các-bon áp dụng cho các dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước.
Hồ sơ sẽ được Bộ quản lý lĩnh vực tổ chức đánh giá theo các nội dung: biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, phương pháp tạo tín chỉ các-bon, các tham số giám sát hoạt động dự án. Sau khi được Bộ quản lý lĩnh vực phê duyệt đăng ký, dự án sẽ được công bố trên Hệ thống đăng ký quốc gia.
5. Bổ sung khung pháp lý về các hình thức giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường trong nước
5.1. Hình thức trao đổi
Nghị định 119 quy định rõ ràng về đối tượng và cách thức trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon như sau:
-
Việc trao đổi được thực hiện trên Sàn giao dịch các-bon;
-
Các loại hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được phép trao đổi bao gồm:
+ Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở;
+ Tín chỉ các-bon được cấp cho kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 của chương trình, dự án thuộc cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế.
5.2. Hình thức nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính
Cơ sở được phân bổ có trách nhiệm nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho Nhà nước. Lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính nộp trả phải tối thiểu bằng với kết quả kiểm kê khí nhà kính từ các nguồn phát thải trực tiếp trong giai đoạn được phân bổ của cơ sở trừ đi lượng tín chỉ các- bon đã bù trừ.
Cơ sở được phép áp dụng các hình thức trao đổi, vay mượn, chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính và sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính để thực hiện trách nhiệm nộp trả.
Cơ sở không thực hiện đầy đủ trách nhiệm nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời, lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính nộp trả còn thiếu sẽ bị trừ vào hạn ngạch phân bổ của cơ sở cho giai đoạn kế tiếp.
5.3. Hình thức vay mượn hạn ngạch phát thải khí nhà kính
Trong giai đoạn đến hết năm 2030, cơ sở có thể vay mượn lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho giai đoạn kế tiếp của chính cơ sở đó để đảm bảo hoạt động nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính của giai đoạn hiện tại.
Số lượng hạn ngạch vay mượn không vượt quá 15% lượng hạn ngạch đã được phân bổ cho giai đoạn được phân bổ và không được sử dụng để trao đổi.
5.4. Hình thức chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính
Trong giai đoạn đến hết năm 2030, cơ sở có thể chuyển giao lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết sau khi hoàn thành nộp trả của giai đoạn hiện tại sang giai đoạn kế tiếp. Số lượng hạn ngạch chuyển giao được sử dụng để trao đổi.
5.5. Hình thức bù trừ hạn ngạch phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon
Cơ sở có thể sử dụng tín chỉ các-bon từ dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để bù trừ không quá 30% lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ của cơ sở.
→ Chi tiết Nghị định 119/2025/NĐ-CP: xem tại đây
6. Doanh nghiệp cần làm gì ngay lúc này?
Để không bị động trước làn sóng mới, Vinacontrol khuyến nghị các bước hành động thiết yếu:
-
Đánh giá lại toàn diện:
Rà soát lại toàn bộ hoạt động để kiểm kê chính xác mức phát thải, xác định các cơ hội giảm phát thải tiềm năng.
-
Nâng cao năng lực:
Đào tạo đội ngũ nhân sự am hiểu về kỹ thuật kiểm kê KNK, tài chính carbon và các quy định pháp lý liên quan.
-
Hoạch định chiến lược carbon:
Xây dựng một lộ trình rõ ràng: nên đầu tư công nghệ, mua hạn ngạch, hay tự phát triển dự án tạo tín chỉ? Đâu là con đường tối ưu về chi phí và mang lại lợi ích lâu dài?
7. Vinacontrol - Song hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh
Là tổ chức đánh giá sự phù hợp hàng đầu và lâu đời nhất tại Việt Nam, Vinacontrol cung cấp hệ sinh thái dịch vụ toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp trong từng bước triển khai: từ kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải đến thẩm định báo cáo GHG, tư vấn phát triển các dự án tín chỉ carbon đạt chuẩn quốc tế.
Với năng lực chuyên môn vững chắc và hiểu biết sâu sắc về hành lang pháp lý, Vinacontrol sẵn sàng cùng doanh nghiệp chinh phục mục tiêu phát triển bền vững và gia nhập thị trường carbon tỷ đô.
→ Khám phá giải pháp dành cho doanh nghiệp của bạn: tại đây
Mọi yêu cầu về dịch vụ của Vinacontrol, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline/Zalo: 0243 943 3840 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!