Bài viết chuyên đề Nông nghiệp hữu cơ

TÔI CÓ THỂ SỬ DỤNG ĐẦU VÀO NÀY CHO TRANG TRẠI HỮU CƠ CỦA MÌNH KHÔNG?

Đánh giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. Đánh giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất hữu cơ là một trong những bước quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng. Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài cơ sở và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương. Nông nghiệp hữu cơ phải đáp ứng các mục tiêu lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống; Đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất; Giảm thiểu (và tránh dùng nếu có thể) vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp [1] trong mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất hữu cơ cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại; Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh; Không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ…); Tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh; Duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển. [2][3][4]

nnhc_1_800

Nông nghiệp hữu cơ khuyến khích sử dụng các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như luân canh cây trồng, che phủ cây trồng, các biện pháp vệ sinh và sản xuất hữu cơ chỉ sử dụng các loại phân khoáng thiên nhiên và thực hiện các phương pháp sinh học để tăng độ phì của đất, ngăn ngừa các vấn đề sâu bệnh và chăm sóc sức khỏe vật nuôi. Tiêu chuẩn quốc gia về Nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041-2:2017 yêu cầu rằng chỉ sử dụng phân bón và chất ổn định đất nêu trong Bảng A.1 nếu: Việc sử dụng các chất này thực sự cần thiết để đạt được hoặc duy trì độ phì của đất hoặc để đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng đặc biệt cho cây trồng hoặc vì mục đích luân canh và ổn định đất cụ thể mà các biện pháp nêu trong 5.1.7 không thể đáp ứng; Các chất này có nguồn gốc từ thực vật, động vật, vi sinh hoặc chất khoáng thu được từ các phương pháp vật lý (ví dụ: quá trình cơ học, nhiệt học), enzym hóa, vi sinh (ví dụ: quá trình ủ phân, lên men); nếu các biện pháp nêu trên không có hiệu quả thì mới xem xét để sử dụng biện pháp hóa học và chỉ để chiết chất mang và chất kết dính; Việc sử dụng các chất này không tác động bất lợi đến cân bằng sinh thái của đất, các đặc tính vật lý của đất hoặc chất lượng của nước và không khí; Việc sử dụng chúng phải rất hạn chế trong các điều kiện cụ thể.

Điều kiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được quy định trong phụ lục A của TCVN 11041-2:2017 về nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam. Theo đó, chỉ sử dụng các chất bảo vệ thực vật (bao gồm các chất dùng để kiểm soát sinh vật gây hại điều hòa sinh trưởng và xử lý hạt giống) được liệt kê trong Bảng A.2 của TCVN 11041-2:2017 nếu việc sử dụng các chất này thực sự cần thiết để kiểm soát sinh vật gây hại cụ thể mà không thể áp dụng hoặc áp dụng không hiệu quả biện pháp sinh học, vật lý hoặc biện pháp quản lý cây trồng. Việc sử dụng các chất này cần tính đến tác động có thể gây hại đối với môi trường, hệ sinh thái (cụ thể là sinh vật không phải đích) [5], sức khỏe của con người và vật nuôi. Các chất được sử dụng phải có nguồn gốc từ thực vật, động vật, vi sinh hoặc khoáng chất và có thể phải trải qua các quá trình như vật lý (ví dụ quá trình cơ học, nhiệt học), enzym hóa, quá trình vi sinh học (ví dụ quá trình ủ phân, phân hủy). Các chất được sử dụng nếu được tổng hợp bằng phương pháp hóa học (ví dụ: pheromon sử dụng trong bẫy côn trùng) được xem xét đưa vào danh mục nếu không có đủ số lượng sản phẩm ở dạng tự nhiên và việc sử dụng chúng không tạo ra lượng dư trong các sản phẩm ăn được. Việc sử dụng chúng phải rất hạn chế trong các điều kiện cụ thể.

nnhc_2_800

Hiện nay, phần lớn các nhà sản xuất hữu cơ đặt câu hỏi khi mua các vật tư đầu vào: liệu sản phẩm này có được phép sử dụng không? Để lựa chọn được vật tư đầu vào phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và có giá thành hợp lý là rất khó khăn với phần lớn người sản xuất hữu cơ tại Việt Nam. Trong quá trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ, các tổ chức chứng nhận có trách nhiệm đánh giá các tài liệu mà nhà sản xuất/ nhà chế biến sẽ sử dụng để xác minh việc tuân thủ các yêu cầu của TCVN 11041. Vì vậy, bạn cần gửi danh sách tất cả các vật tư nguyên liệu đầu vào bạn sử dụng hoặc dự định sử dụng trong kế hoạch sản xuất hữu cơ của mình cho tổ chức chứng nhận để xác định xem các chất có được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ hay không.

Ý nghĩa của Danh mục các chất được phép sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ

Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 2: Trồng trọt hữu cơ, chúng ta không thể sử dụng các sản phẩm có thành phần tổng hợp để sản xuất hữu cơ, trừ khi chúng được cho phép cụ thể và có trong Danh mục các chất được phép sử dụng trong quy định tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Điều này có nghĩa là vật liệu tổng hợp không thể được sử dụng trừ khi chúng được phê duyệt cụ thể và vật liệu tự nhiên có thể được sử dụng trừ khi chúng bị cấm cụ thể. Danh mục các chất được phép sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ nêu rõ các yêu cầu hạn chế khi sử dụng hoặc chú thích cụ thể về nguồn gốc hoặc mô tả và điều kiện sử dụng.

Đọc thông tin thành phần trên nhãn bao bì

Bước tiếp theo trong quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là nhãn bao bì sản phẩm. Các thành phần được phép sử dụng nếu chúng không phải là chất tổng hợp và thuộc danh mục các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ theo các tiêu chuẩn cụ thể. Nếu có các thành phần tổng hợp, cần kiểm tra xem chúng có được cho phép tại phần mô tả và điều kiện sử dụng hay không. Việc này có thể gây khó khăn cho người sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì các chú thích về nội dung mô tả và điều kiện sử dụng thường đặt ra những hạn chế nhất định đối với quy trình sản xuất hoặc việc sử dụng vật liệu. Ví dụ, Lidocain được phép sử dụng như một chất gây tê cục bộ, nhưng việc sử dụng nó cần tuân thủ thời gian ngừng sử dụng là 90 ngày đối với gia súc dự định giết mổ và bảy ngày đối với gia súc lấy sữa.

Việc đọc thông tin trên bao bì sản phẩm vật tư đầu vào không đủ để xác định liệu chúng có thể sử dụng trong canh tác hữu cơ hay không. Thông tin trên bao bì thường không cung cấp đầy đủ thông tin về quy trình kỹ thuật sản xuất. Ví dụ, sản phẩm phân cá dạng lỏng được phép sử dụng làm phân bón và có thể được điều chỉnh độ pH bằng axit sunfuric, xitric hoặc photphoric. Tuy nhiên, thông tin trên bao bì không đề cập đến việc lượng axit sử dụng có vượt quá mức tối thiểu cần thiết để giảm độ pH hay không. Hoặc có nhiều loại phân bón trên bao bì công bố là “Phân bón hữu cơ” và nhà sản xuất bổ sung các thành phần khoáng. Ví dụ như thành phần lưu huỳnh chỉ được phép sử dụng có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, người sản xuất hữu cơ nên liên hệ với nhà cung cấp để xác nhận rằng sản phẩm vật tư đầu vào dùng cho vườn hữu cơ của mình. Nếu liên hệ với các nhà sản xuất vật tư đầu vào, hãy cố gắng nhận được câu trả lời bằng văn bản hoặc ít nhất là ghi lại những gì bạn đọc được. Nếu bạn không chắc chắn về thông tin mình cần, hãy liên hệ với tổ chức chứng nhận để được hướng dẫn cụ thể.

nnhc_3_800

Chậm mà chắc!

Trước khi sử dụng một vật tư đầu vào mới, có thể tham khảo sự chấp thuận gần đây của OMRI. Nếu nó không được liệt kê, hãy làm theo các bước sau:

-         Đánh giá từng thành phần trên bao bì để tuân thủ theo danh mục các chất được phép sử dụng trong trồng trọt hữu cơ và bất kỳ chú thích nào trong phần mô tả và điều kiện sử dụng. Danh sách tài liệu chung của OMRI cũng có thể hữu ích.

-         Liên hệ với nhà sản xuất nếu cần thiết.

Vì quá trình này có thể mất thời gian, hãy đảm bảo lập kế hoạch trước khi liên hệ đăng ký với tổ chức chứng nhận hoặc cập nhật kế hoạch sản xuất hữu cơ. Vì vậy, bạn nên lập kế hoạch trước khi liên hệ. Bạn cần lưu giữ hồ sơ của tất cả các thông tin liên lạc với nhà cung cấp/ sản xuất vật tư đầu vào, giấy chứng nhận hợp quy/ công bố hợp quy nếu có thể. Bạn cũng nên giữ nhãn, biên nhận, hóa đơn vận chuyển và hồ sơ quản lý vật tư đầu vào. Việc xác minh cẩn thận này đảm bảo truy xuất được tính toàn vẹn trong toàn bộ hoạt động sản xuất hữu cơ và khả năng thu hồi sản phẩm bằng cách theo dõi dữ liệu sản xuất vào tiêu chuẩn hữu cơ. Điều này mang lại cho người tiêu dùng niềm tin về chất lượng thật của sản phẩm hữu cơ.

Lê Văn Hậu

Chuyên gia đánh giá – Vinacontrol Tp. Hồ Chí Minh



[1] Chất tổng hợp (synthetic substance): Chất được tạo thành từ quá trình tổng hợp hóa học hoặc từ quá trình thay đổi về mặt hóa học đối với các chất có nguồn gốc từ cây trồng, vật nuôi hoặc nguồn khoáng chất tự nhiên. (Các chất được tạo ra bởi các quá trình sinh học tự nhiên không phải là chất tổng hợp) – Điểm 3.4 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041-1:2017.

[2] https://evbn.org/nong-nghiep-huu-co-thuc-trang-va-mot-so-huong-phat-trien-tai-viet-nam-1680487815/

[3] https://luatvietnam.vn/nong-nghiep/nghi-dinh-109-2018-nd-cp-ve-nong-nghiep-huu-co-166604-d1.html

[4] https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/chien-luoc-du-an-quy-hoach/tieu-chuan-va-nguyen-tac-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-22293.html


024.3943.3840
Tập đoàn Vinacontrol
  • 54 Trần Nhân Tông, Hà Nội, Việt Nam
  • +84 24 3943 3840
  • +84 24 3943 3844
  • vinacontrol@vinacontrol.com.vn